Bị người thân xâm hại từ khi 8 tuổi, cây bút Pháp gốc Việt Isabelle Müller nhiều năm âm thầm chịu đựng nỗi đau trước khi công khai câu chuyện.
Hôm 19/3, tác giả 58 tuổi hội ngộ độc giả tại đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP HCM). Sau bốn năm kể từ tác phẩm viết về đời phiêu bạt của mẹ chị - bà Loan, Isabelle giới thiệu ấn phẩm mới ở Việt Nam - Con gái của phượng hoàng. Tác giả có quãng thời gian dài đấu tranh nội tâm trước khi công khai tuổi thơ bị người thân xâm hại tình dục suốt 9 năm trong tác phẩm. Hít một hơi sâu, chị nói: "Kể lại việc này thật không dễ dàng. Nó giống như bạn tự lột trần trước đám đông và chịu đựng ánh mắt phán xét của từng người".
Tác giả Isabelle Müller trong ngày trở lại Việt Nam ra mắt sách "Con gái của phượng hoàng". Ảnh: Nguyễn Á
Isabelle trải qua thời thơ ấu ở một miền quê nghèo nước Pháp. Cha chị là một cựu lính Pháp từng tham chiến tại Việt Nam, còn mẹ là một phụ nữ Việt gốc Bắc, rời quê hương để gây dựng sự nghiệp nơi đất khách. Dù gia cảnh bần cùng, nhiều lần bị cha đánh đập, họ hàng kỳ thị, tác giả từng có tuổi thơ êm đềm bên mẹ và bốn anh chị.
Bi kịch của Isabelle bắt đầu sau những cảm xúc rung động đầu đời. Không biết hỏi ai, cô bé tám tuổi khi ấy chọn cách giãi bày cùng người thân và trở thành con mồi của ông. Sau lần đầu bị quấy rối trong nhà tắm, nhiều năm liền, Isabelle bị xâm hại bằng những cách khác nhau. "Vào một thời điểm nào đó, bóng tối lại làm con thú trong ông ấy xuất hiện, với một thứ ảo mộng mới được nảy sinh, đòi hỏi một vật hy sinh", chị viết trong sách.
Trải qua năm tháng tồi tệ nhất của cuộc đời, tác giả cho biết bị buộc phải câm nín, sống trong nỗi tuyệt vọng. Lý giải về việc không thể lên tiếng, Isabelle nói khi đó, đứa trẻ trong chị sợ cảm giác mất đi gia đình. "Mẹ tôi sẽ không tha thứ cho bất kỳ ai bức hại con mình. Sự dằn vặt trong suốt thời gian dài khiến tôi nín lặng, chịu đựng, nghẹt thở", chị cho biết. Tác giả nhiều lần ngầm ra dấu về nỗi đau bản thân bằng những bức vẽ, lời ám chỉ... nhưng đều bị người lớn bỏ qua.
Vùng vẫy cố thoát khỏi bi kịch, Isabelle nhiều lần tự làm đau. Có lần, chị lao thẳng vào một ngã tư nhưng các tài xế kịp thời tránh.
Những lúc tuyệt vọng, Isabelle nhớ đến mẹ và dần bình tâm. Bà cũng là nạn nhân bạo hành tình dục thuở nhỏ và từng học cách vượt qua nỗi đau. Khi ấy, Isabelle nhiều lần nhìn thẳng vào gương và tự nhủ: "Cậu mạnh mẽ như mẹ Loan, vì giống như bà, cậu đã mấy lần can đảm nhìn thẳng vào cái chết. Cậu đã học cách đấu tranh vì những mục tiêu của mình, tại sao cậu không kháng cự chống lại những gì cậu không muốn?". "Hope is my way - hy vọng là con đường của tôi", đó cũng là dòng đề từ được Isabelle chọn in trên bìa sách.
Tác giả thuở bé bên mẹ - bà Loan, qua đời vì ung thư năm 2003. Ảnh: NXB Tổng hợp TP HCM
Năm 17 tuổi, Isabelle theo học karate cùng anh trai. Khi bị người nhà chặn đường trên hành lang và định xâm hại, lần đầu tiên chị khước từ. Tác giả túm lấy cánh tay ông, đẩy vào tường, dùng tay khóa chặt cổ họng. Chị cho biết: "Tôi tự nhủ chẳng phải vô cớ mà mình đã phải chịu bao vết bầm tím khi cố gắng học võ để bảo vệ bản thân. Chẳng phải vô cớ mà cái chết đã quay lưng lại với tôi. Chín năm lạm dụng đã quá đủ". Từ đó, Isabelle vĩnh viễn được tự do.
Dư chấn sau đó còn đeo bám Isabelle suốt nhiều năm. Tác giả nhận ra bản thân không thể thăng hoa khi quan hệ. Khi tìm đến bác sĩ, chị được giải thích do nỗi đau vẫn còn đó. Người đầu tiên chị thổ lộ những tổn thương trong quá khứ là Stephan - người yêu và là chồng hiện tại, sau một thời gian cả hai gắn bó. Stephan khóc, ôm Isabelle và chị nhận ra những vết thương đang dần lành lặn. Bên Stephan, chị xua đi các nỗi u ám, bởi chồng là những gì chị từng ước mơ nhưng chưa bao giờ dám theo đuổi vì sợ chúng sẽ tan vỡ. Tác giả nói: "Đừng sợ hạnh phúc, hãy tận hưởng nó. Đừng luôn nghĩ về sự kết thúc khi nó không hiện diện".
Năm 2009, Isabelle công khai câu chuyện bản thân, được mời diễn thuyết ở Đức - nơi chị đang sống và làm việc - trước khán giả, là khách mời trên tivi và đài phát thanh. Sau tất cả, Isabelle chọn cách tha thứ. "Với sự tức giận và lòng hận thù, ta phá bỏ mọi thứ, nhưng với đức kiên nhẫn và tình yêu, ta có thể xây dựng một ngôi đền từ hư vô", tác giả viết trong phần vĩ thanh. "Ngôi đền" với chị là trái tim biết yêu thương bên trong mỗi người.
Bà Trương Mỹ Hoa (thứ hai từ trái qua) - nguyên Phó Chủ tịch nước - là người tạo cầu nối để sách của Isabelle được giới thiệu trong nước. Ảnh: My My
Isabelle dành những dòng cuối sách cho mẹ. Chị cho biết đã không thể sống nếu thiếu tấm gương của mẹ Loan. Trong quyển sách đầu, tác giả gọi mẹ là phượng hoàng - loài vật tái sinh từ đống tro tàn trong truyền thuyết, ngụ ý với chị, mẹ luôn quả cảm, mạnh mẽ. Chị nói: "Tôi viết sách để truyền lại món quà tình yêu cho gia đình mình, cho hai con gái. Đôi khi, tôi thậm chí có thể nhìn thấy mẹ sống tiếp trong chúng". Lợi nhuận từ sách được Isabelle dành cho quỹ Loan - quỹ từ thiện chuyên về các dự án giáo dục trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam, do chị thành lập năm 2016.
Mai NhậtTrở lại Giải tríTrở lại Giải tríChia sẻ ×