Cho rằng người dân cũng tham gia làm đường cao tốc qua tiền đóng thuế, nhiều bạn đọc bày tỏ, nếu thu phí thì Nhà nước cần bãi bỏ phí đường bộ hoặc phải thấp hơn khoảng 40% so với các trạm BOT.
Sau phản ánh của VietNamNet về đề xuất thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, nhiều bạn đọc gửi phản hồi với 2 luồng ý kiến: đồng tình và phản đối.
Với luồng ý kiến đồng tình thì cho rằng, do ngân sách nhà nước còn hạn chế, tiền làm cao tốc cũng là đi vay vốn nước ngoài nên cần chung tay của người dân, doanh nghiệp.
Theo bạn Xe Xin Số, nên thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư, và nên triển khai thu sớm tuyến TP.HCM - Trung Lương.
“Cao tốc đâu phải là đường độc đạo. Đâu ai bắt phải chạy vào cao tốc để tốn thêm phí. Đóng phí bảo trì đường bộ đã có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để đi rồi. Muốn dùng dịch vụ tốt, cao cấp thì phải mất phí”, bạn đọc này viết.
Tương tự bạn Binh Nguyen Thanh cũng cho rằng, dù chúng ta đang thu phí bảo trì đường bộ thì số tiền ấy chủ yếu là để bảo trì đường có sẵn.
“Còn xây dựng cao tốc là khoản tiền vay ODA là chính. Vì vậy, nên thu nhưng phí có thể giảm 30-40% so với sự đầu tư của tư nhân. Có như vậy mới có tiền trả nợ cho nước ngoài và đầu tư mới”, bạn đọc Binh Nguyen Thanh nêu quan điểm.
Xét về lâu dài, độc giả, Tran Vuong Nguyen cũng nhấn mạnh nên thu phí đường cao tốc với các dự án do Nhà nước đầu tư.
Lấy dẫn chứng đường cao tốc do tư nhân đầu tư, bạn đọc này cho biết, doanh nghiệp sẽ thu phí cho 3 khoản: Thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của doanh nghiệp và chi phí quản lý, vận hành, duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa đường.
Như vậy, với dự án do Nhà nước đầu tư, chỉ cần bỏ khoản lợi nhuận là đã giảm giá rất nhiều cho người tham gia giao thông, mà vẫn đảm bảo tính bền vững. Khi đó, nhà nước có tiền để làm dự án khác.
Tuyến cao tốc Mai Sơn- Quốc lộ 45 hiện vẫn chưa thu phí
Thấp hơn khoảng 30-40% so với phí qua trạm BOT
Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình với đề xuất này. Cụ thể, bạn Nguyễn Doãn Dũng bày tỏ, hàng tháng đã phải nộp thuế đường bộ, giờ đi vào bất kể cao tốc nào cũng tiếp tục thu phí nữa thì thật là vô lý.
“Nhà nước cần xem xét điều chỉnh lại sao cho hợp lý?”, anh nêu.
Đồng tình với quan điểm này, bạn Lân Vũ cho rằng, người dân cũng đã tham gia làm đường (thông qua việc đóng thuế).
“Giờ lại phải trả tiền cho việc sử dụng công trình thuộc sở hữu của dân. Rất bất hợp lý! Thu phí sẽ đội giá thành vận tải, ách tắc, chậm trễ giao thông. Mong Quốc hội xem xét”, bạn đọc Lân Vũ kiến nghị.
Đáng lưu ý, rất nhiều ý kiến bày tỏ nếu thu sẽ xảy ra tình trạng phí chồng phí, thuế chồng thuế vì tiền đầu tư cao tốc bằng ngân sách là tiền thuế của dân đóng góp.
“Nếu thu phí trên đường do Nhà nước đầu tư thì phải bỏ thu phí đường bộ”, bạn đọc Phamtoan nhấn mạnh.
Trao đổi thêm về vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông cho rằng, chủ trương thu phí trên các tuyến đường do Nhà nước đầu tư là cần thiết nhưng cần có chính sách riêng.
Theo đó, ông Thuỷ nhấn mạnh hệ thống đường giao thông thuộc công cộng chứ không phải, không nên tư duy thương mại hóa hết.
“Đời sống người dân hiện nay đang khó khăn, mỗi ô tô lăn bánh đã chịu rất nhiều loại phí. Nếu tiếp tục thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ là “đụng” vào túi tiền, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, doanh nghiệp”, ông Thủy nhấn mạnh.
Vì vậy, TS. Nguyễn Xuân Thủy kiến nghị, ở các đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, nếu thu phí, cần thu thấp hơn so với các trạm thu phí BOT (khoảng 40%).
Trong trường hợp thu phí với tất cả các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, ông Thuỷ cho rằng, phải giảm bớt phí bảo trì đường bộ. Mức giá sẽ do Bộ GTVT và Bộ Tài chính tính toán đưa ra.
Bộ GTVT mới có tờ trình đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư.
Theo Bộ GTVT, do yêu cầu ngân sách nhà nước cho đầu tư mới đường cao tốc rất lớn nên việc xây dựng chính sách để ngân sách có nguồn dành cho đầu tư phát triển cao tốc là cần thiết.
Bên cạnh đó, khi các đường cao tốc hoàn thành, cần nguồn tiền bảo trì nhằm duy trì điều kiện kỹ thuật. Những năm qua, với các tuyến đường do Nhà nước quản lý, ngân sách chi bình quân khoảng 830 triệu đồng/km/năm mới cơ bản đáp ứng được chi phí quản lý, khai thác và một phần chi phí bảo trì.
Bình luận