Có những nữ tình báo chủ động đi tìm và cưới vợ mới cho chồng, tránh để chồng chịu tiếng xấu...
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc, người phụ nữ Việt Nam không chỉ anh hùng trong chiến đấu mà còn vĩ đại khi dám chấp nhận hy sinh cả hạnh phúc cá nhân và duyên phận vì đất nước. Họ có thể hy sinh cả những điều rất khó ai nghĩ nổi: tìm và cưới vợ mới cho chồng, tránh để chồng chịu tiếng xấu là có vợ phản bội Đảng và phản bội chồng.
Nữ Đại tá tình báo Đinh Thị Vân từng tạo vỏ bọc cho mình bằng cách để chồng lấy vợ mới, còn mình ở lại hậu phương, chịu cảnh đói rách cùng cực, mất việc làm nơi đô thị, cuối cùng phải đưa con nhỏ lên nông trường heo hút miền trung du.
Bà Phạm Thị Thanh, vợ đầu của Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức - một nhà tình báo siêu hạng của lực lượng quốc phòng Việt Nam - từng chịu cảnh nhục nhã, ê chề trước người thân và hàng xóm vì "có chồng bội bạc, lấy vợ khác", "chạy vào Nam theo địch".
Có lẽ, chỉ phụ nữ Việt Nam mới có thể hy sinh và chịu đựng đến như vậy. Họ thật vĩ đại và xứng danh với 8 chữ vàng Bác Hồ tặng: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.
Lấy vợ mới cho chồng để tiếp tục hoạt động bí mật
Năm 1990, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có chủ trương xây dựng một phong trào thế hệ trẻ góp tiền làm "Sổ tiết kiệm nghĩa tình", tri ân những người có công với nước. Tuần tin Thanh niên ngày đó được giao làm một số cuốn sổ tiết kiệm 1 triệu đồng. Tôi được may mắn thay mặt báo đến trao sổ tiết kiệm cho Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Vân (1916-1995) tại căn buồng công vụ tầng 2, số 8, phố Cửa Đông, Hà Nội.
Lúc đó tôi mới được diện kiến người phụ nữ đặc biệt mà ngay sau năm 1975 không lâu, nhà báo Nguyễn Trần Thiết đã viết một loạt bài dài kỳ về bà đăng trên báo Quân đội nhân dân.
Khi đó, gia đình tôi đã rất bất ngờ xen lẫn tự hào khi được tác giả bài báo ghi lại chuyện bà Đinh Thị Vân, trước khi bước xuống tàu há mồm của Pháp di cư vào Nam, đã tá túc tại nhà ông bà nội tôi tại số 147 phố Khách, Hải Phòng (hiệu thuốc Đông y Chu Sỹ) một thời gian.
Trong tổ chức, bà coi cơ sở này là ông Ba Phan (nói lệch tên đôi chút vì ông tôi tên là Ba Phấn). Cùng quê huyện Xuân Trường, Nam Định với gia đình tôi, lại từng là huyện uỷ viên, bà biết rõ ông bà tôi từ hồi còn ở dưới làng Hành Thiện vì ông bà tôi có 3 con tham gia kháng chiến.
Người phụ nữ tình báo bình dị, nền nã, cả đời nhuộm răng đen, ăn trầu và chỉ thích mặc bộ bà ba
Bà Vân từng công tác với chồng ở chiến khu 14, sống với nhau rất hạnh phúc. Vân thực ra không phải tên khai sinh của bà, mà lấy theo tên của chồng. Khi hoạt động tình báo, tổ chức đổi tên bà theo một căn cước có sẵn mang tên Trần Thị Mỹ.
Do chồng đau ốm, ở đơn vị không có điều kiện chữa trị nên bà bàn với ông, đưa ông về quê để có người chăm sóc. Hoàn cảnh không cho phép lo cả việc nhà và việc nước, bà đã suy nghĩ và đi đến quyết định bất ngờ sau cả chục đêm mất ngủ: ly dị chồng để lấy vợ mới cho ông. Ngày đó, chính ông đã trợn tròn mắt hỏi vợ: "Cô có bị điên không mà quyết định như vậy?".
Đây cũng là thời điểm bà nhận nhiệm vụ đặc biệt của tổ chức: Làm việc tại cơ quan tình báo của Bộ Tổng tham mưu, cho dù bà chưa hề qua một ngày đào tạo.
Có một điều rất đặc biệt, ngay khi bước vào nghề, bà đã xác định cần làm việc theo phương châm tỉnh táo, khôn khéo nhưng kiên quyết. Bà cho rằng, cách mạng còn khó khăn, không thể dùng tiền để mua tin tức mà phải vận động, cảm hoá các đối tượng đang làm cho địch nhưng có cảm tình với cách mạng quay về cộng tác với mình một cách thật lòng, bằng tình yêu đất nước.
Nhờ vào các mối quan hệ và công tác, bà Đinh Thị Vân đã vận động, giác ngộ quần chúng đi theo cách mạng ngay từ những ngày đầu nhận công tác mới ngay tại Hà Nội, rồi tiếp đó là Hải Phòng.
Bà đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cung cấp nhiều tin tức quan trọng để cấp trên chỉ đạo thắng lợi và giành thế chủ động trong thời gian “300 ngày tập kết” tại vùng địch tạm chiếm Hải Phòng khi hiệp định Geneve được ký kết, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền và lấy vĩ tuyến 17 là ranh giới.
Bà Đinh Thị Vân (ngoài cùng bên phải) sau khi ra tù, về chiến khu công tác
Tháng 10/1954, trước ngày quân ta kéo về tiếp quản Thủ đô, bà nhận lệnh bí mật tiếp tục vào Nam hoạt động. Để tạo vỏ bọc hợp pháp cho việc di cư vào Nam và phù hợp với hoạt động sau này, bà đã đóng vai “người đi buôn vào Nam kiếm sống” và vận động một số người bà tin tưởng. Họ đang có chức sắc trong chính quyền hoặc quân đội Pháp, vì thế sau này bà có thể khai thác thông tin qua họ…
Để hỗ trợ hoạt động của bà, cấp trên quyết định thông báo: “Đinh Thị Vân đã phản Đảng, bỏ nhiệm vụ chạy trốn vào Nam. Tuyên án tử hình vắng mặt”.
Tin dữ ấy được ta khéo léo cho lan truyền rộng, khiến cho anh em, đồng chí, họ hàng, quê hương bà… đều bàng hoàng, sửng sốt.
Khi đó, ông bà nội tôi rời quê ra Hải Phòng làm thuốc cứu người. Ông bà được cách mạng tin tưởng, bố trí làm cơ sở trong nội thành che giấu cán bộ hoạt động, trong đó có bà Đinh Thị Vân và ông Nguyễn Lam - thời điểm đó là Bí thư Liên Khu uỷ Khu 14 (sau là Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành uỷ Hà Nội)...
Ngày đó, ông bà nội tôi chỉ được biết đôi chút rằng bà Đinh Thị Vân có nhận nhiệm vụ vào Nam hoạt động và buộc phải chấp nhận hy sinh tình riêng, tìm một phụ nữ thay mình làm vợ của chồng.
Cách này cũng tránh được điều tiếng cho chồng bà là có người vợ phản bội...
Bà Đinh Thị Vân (giữa) trong lễ tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970
Do sơ suất của một cơ sở trong mạng lưới, bà Vân bị địch nghi ngờ và bắt giam. Cho dù dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man, chúng vẫn không tài nào moi được bất cứ tin tức gì ở bà. Chúng đưa bà đi biệt giam ở Vân Đồn, trại Lê Văn Duyệt, Sở Thú.
Sau 5 năm tù đày qua các nhà lao, bà nếm đủ cực hình tra tấn dã man về thể xác, uy hiếp khủng bố về tinh thần... Thế nhưng, với dũng khí của người cộng sản kiên cường, bà đã vượt qua tất cả, tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng, bảo vệ trọn vẹn mạng lưới tình báo do bà phụ trách và tiếp tục hoạt động trong nội thành.
Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đinh Thị Vân sau ngày đất nước vừa thống nhất
Vì cách mạng mà phải hy sinh tình riêng, bà là một người phụ nữ thật sự vĩ đại mà tôi từng biết. Sau hoà bình, do đã luống tuổi và bệnh tật nhiều, bà ở vậy một mình cùng một người cháu từ quê lên chăm nom.
Nữ tình báo Đinh Thị Vân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng trong vai một người lao động bình thường, răng đen, ăn trầu, quanh năm mặc áo bà ba… Bà trở thành một huyền thoại sống trong lực lượng tình báo quốc phòng với nhiều chiến công oanh liệt. Bà được Chủ tịch nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang từ năm 1970.
(còn tiếp)
Làng tôi có 2 trung tướng anh hùng
Làng tôi không chỉ có nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều tướng lĩnh, mà còn sản sinh ra nhiều anh hùng. Trong đó, có 2 trung tướng vừa được phong và truy phong Anh hùng LLVTND một đợt.
Hai người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh
Trong cuộc đời mình, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh dành tất cả sự yêu thương, kính trọng cho 2 người phụ nữ đặc biệt.
Vị tướng tài ba chỉ huy trận sân bay Cát Bi thời Pháp có 1 không 2
Trận tập kích sân bay Cát Bi chỉ trước chiến dịch Điện Biên Phủ ít ngày là chiến công chói lọi của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Bình luận