Theo khuyến cáo của bác sĩ BV Sản Nhi Quảng Ninh, có những mốc khám thai rất quan trọng mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý và không nên bỏ lỡ.
Lần đầu khám thai, mẹ khám những gì?
Phụ nữ cần trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ về quy trình khám trong lần đầu tiên để đảm bảo quyền lợi cho mình cũng như chắc chắn về độ chính xác của kết quả khám.
Chẩn đoán có thai hay không: Khi khám thai lần đầu, bác sĩ sẽ xác định có đúng bạn có thai hay không, tình trạng thai nhi như thế nào. Tránh việc trì hoãn vì nếu bạn mang thai ngoài tử cung mà không được phát hiện sớm sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.
Tình trạng sức khỏe chung của cả mẹ và thai nhi: Bác sĩ sẽ tìm hiểu tình trạng sức khỏe của mẹ, các thói quen hằng ngày, những hoạt động tốt và không tốt cho thai nhi. Tiểu sử bệnh tật của gia đình (đột biến gen, bệnh di truyền,..), tiểu sử bệnh tật và tiền sử thai sản của người mẹ (đã mang thai bao giờ chưa, có thực hiện thủ thuật thai sản gì hay không,...). Tìm hiểu công việc của người mẹ để đưa ra những lời khuyên hữu ích nhất đối với quá trình mang thai.
Tiến hành đo tử cung: Trong lần khám thai đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành đo tử cung để theo dõi sự phát triển của thai nhi trong những lần khám tiếp theo cũng như đưa ra các dự đoán về thời gian sinh của bạn.
Thực hiện một số các xét nghiệm liên quan:
• Xét nghiệm nước tiểu: Khi khám thai lần đầu mẹ cũng được tiến hành kiểm tra lượng đường, protein,... trong nước tiểu.
• Xét nghiệm máu: Xác định nhóm máu, số lượng hồng cầu trong lần khám thai đầu giúp phát hiện mẹ có bị thiếu máu hay không, xác định thành phần Rh,...
• Xét nghiệm chẩn đoán các bệnh truyền nhiễm: Viêm gan, HIV,...
• Xét nghiệm PAP để xác định người mẹ có bị ung thư cổ tử cung hay không
Dựa trên các xét nghiệm và bước thăm khám ban đầu, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên để giúp cho sự phát triển toàn diện của mẹ và bé.
Những mốc khám thai mẹ bầu cần biết1. Mốc 11 tuần 6 ngày – 13 tuần 6 ngày
- Ở giai đoạn này, siêu âm hình thái thai nhi giúp phát hiện sớm các bất thường, đo khoảng sáng sau gáy kết hợp sàng lọc NIPT hoặc Combined Test phát hiện hội chứng rối loạn di truyền về nhiễm sắc thể như Down, Edwards, Patau,... Đây cũng là thời điểm siêu âm đánh giá tuổi thai chính xác nhất.
- Xét nghiệm công thức máu, nhóm máu ABO, nhóm máu Rh, Glucose máu, xét nghiệm sàng lọc sớm tiền sản giật, tuyến giáp nếu bạn thuộc nhóm đối tượng nguy cơ, một số các bệnh lây truyền như HIV, giang mai, viêm gan B.
Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào bạn sẽ được bác sĩ tư vấn và có chỉ định điều trị hoặc theo dõi.
2. Từ 18 tuần – 22 tuần 6 ngày
- Siêu âm hình thái thai nhi ở giai đoạn này là thời điểm thích hợp để phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái thai nhi, những bất thường tim.
- Có thể tiến hành Triple Test nếu chưa làm Combined Test, sàng lọc NIPT, hoặc chẩn đoán trước sinh (lấy dịch ối làm nhiễm sắc thể đồ, sinh thiết gai rau hay lấy máu cuống rốn thai nhi) nếu xuất hiện bất thường.
- Đo chiều dài cổ tử cung và kênh cổ tử cung khi có chỉ định
- Tổng phân tích nước tiểu thường quy.
3. Mốc 24 tuần - 28 tuần
- Tiến hành nghiệm pháp tăng đường huyết xác định tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết thai kỳ.
- Xét nghiệm HbsAg và định lượng HBV – DNA chẩn đoán viêm gan B mạn tính và xem xét việc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
- Tùy thuộc vào những nguy cơ trong thai kỳ của bạn, bác sĩ sẽ có những chỉ định và điều trị phù hợp.
4. Mốc 31 tuần 6 ngày – 33 tuần 6 ngày
- Siêu âm hình thái thai nhi đánh giá sự phát triển của thai trong tử cung, lượng nước ối, bánh rau…
- Theo dõi chặt chẽ chỉ số huyết áp mẹ, nước tiểu.
5. Giai đoạn cuối của thai kỳ (36 tuần trở đi)
Đây là thời điểm thích hợp làm hồ sơ sinh. Mẹ bầu được khám, siêu âm đánh giá sự phát triển của thai nhi, trọng lượng thai, ngôi thai, nước ối, bánh rau; thực hiện các xét nghiệm cơ bản sản khoa, xét nghiệm GBS (liên cầu khuẩn nhóm B), theo dõi monitor và nhận tư vấn để chuẩn bị cho cuộc đẻ.