Lâm Đồng yêu cầu kiểm tra vườn sầu riêng ngay điểm sạt lở trên đèo Bảo Lộc
Xuân Ngọc Xem các bài viết của tác giảSự kiện: Sạt lở trên Đèo Bảo Lộc
01/08/2023 14:50 (GMT+07:00)
Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu huyện Đạ Huoai kiểm tra, làm rõ vườn sầu riêng trên đèo Bảo Lộc nơi bị sạt lở khiến 3 CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong.
Hiện trường sạt lở trên đèo Bảo Lộc.
Ngày 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo huyện Đạ Huoai kiểm tra vườn sầu riêng nằm phía sau lưng Chốt CSGT đèo Bảo Lộc – nơi vừa bị sạt lở khiến 3 chiến sĩ CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ đạo huyện này làm rõ nguyên nhân sạt lở, báo cáo UBND tỉnh về nội dung liên quan.
Điểm sạt lở ngay khu đất trồng vườn sầu riêng
Trước đó, ngày 30/7, sau những trận mưa kéo dài, nhiều vị trí trên đèo Bảo Lộc bị sạt lở. Tại hiện trường, khối lượng đất đá trên đồi cao nơi đang trồng vườn sầu riêng sạt xuống Chốt CSGT đèo Bảo Lộc. Lúc này, Trung tá Nguyễn Khắc Thường, Thiếu tá Lê Quang Thành, Đại úy Lê Ánh Sáng thuộc Trạm cảnh sát giao thông Madagui và anh Phạm Ngọc Anh (người dân tới hỗ trợ) đang di chuyển tài sản, đồ đạc tại chốt đã bị vùi lấp, mất tích. Đến 12h ngày 31/7, thi thể nạn nhân cuối cùng được tìm thấy.
Hiện trường sạt lở, phía trên là đồi trồng vườn sầu riêng. Ảnh: X.N.
Ghi nhận tại hiện trường, khu vực sạt lở nằm trọn khoảnh đồi trồng sầu riêng, cạnh đó là chốt trạm CSGT, có diện tích rừng bao quanh. Vườn sầu riêng trồng trên dốc đồi với diện tích khoảng 1ha, tuổi đời của cây 3-4 năm. Nhìn trên cao, một mảng đất đồi đã bị xé toạc, chỉ còn đất đỏ. Nhìn những hình ảnh này khiến dư luận hoài nghi việc phá rừng trồng sầu riêng, cũng như nguyên nhân gây sạt lở.
Khối lượng đất đá sạt lở nằm trong khu vực trồng sầu riêng.
Trong khi đó, một lãnh đạo thị trấn Đạ M'ri (huyện Đạ Huoai) thông tin, vườn sầu riêng nói trên thuộc sở hữu của một người tại thị trấn. Người này canh tác trên đồi từ năm 1985 đến nay. Toàn bộ khu đất này đã đưa ra quy hoạch ngoài 3 loại rừng từ năm 2008, theo quyết định 450 của UBND tỉnh Lâm Đồng (đưa ra khỏi quy hoạch rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất để sử dụng đất phát triển kinh tế, xã hội của địa phương). Ngoài ra, trước đây khu vực này được trồng cà phê, mít, bơ, gần đây mới cải tạo lại để trồng cây sầu riêng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp kiểm tra khu vực sạt lở.
UBND huyện Đạ Huoai đã giao phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng UBND huyện rà soát hồ sơ giao đất qua các thời kỳ để xác định cụ thể loại đất, chủ sử dụng, sau đó sẽ có thông tin chính thức.
Trước đó, ngày 31/7, tại buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Công an tỉnh Lâm Đồng điều tra rõ nguyên nhân vụ sạt lở ở đèo Bảo Lộc. Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Lâm Đồng cần mời chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm khảo sát địa chất ở khu vực có nguy cơ sạt lở để có cách xử lý an toàn.
Hiện trường xảy ra sạt lở, phía trên đồi là vườn trồng sầu riêng.
Thông tuyến đèo Bảo Lộc sau gần 2 ngày ách tắc giao thông do sạt lở
Đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) được thông tuyến sau gần 2 ngày bị gián đoạn lưu thông do đất đá sạt lở tràn xuống đường làm 3 CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong.
Clip CSGT Lâm Đồng dọn đá sạt lở trên đèo Bảo Lộc trước khi hy sinh
Một mảng đồi sạt lở xuống chốt khiến 3 CSGT ở Lâm Đồng hy sinh, một người dân tử vong. Những chiến sĩ này vừa đi dọn dẹp đất đá nằm chắn giữa đường trên đèo Bảo Lộc.
Đất đá sạt lở trên đèo Bảo Lộc đã được giải phóng
Lâm Đồng đã giải phóng được khối đất đá trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc khiến 3 CSGT hy sinh và 1 người dân tử vong.
Bình luận