Sáng 28/7, tại Trụ sở Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền chủ trì phiên họp lần thứ 2 Ban biên tập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại.
Quang cảnh phiên họp.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền, Trưởng ban biên tập xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại ghi nhận sự nỗ lực, tích cực của các thành viên Ban biên tập trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại.
Cho rằng từ đây đến lúc hoàn thiện hồ sơ thời gian còn rất ngắn nhưng có rất nhiều việc phải làm, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đề nghị các đại biểu tham gia cho ý kiến, rà soát lại toàn bộ nội dung dự kiến sửa đổi, đề ra những giải pháp để báo cáo, đề xuất tránh trùng lắp, chồng chéo với các dự luật khác.
Tại phiên họp ông Nguyễn Văn Huệ, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội, Trưởng Ban nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật Hội Luật gia Việt Nam, thành viên ban biên tập đã báo cáo dự thảo đánh giá tác động của chính sách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại.
Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Luật Trọng tài Thương mại ra đời cùng các văn bản hướng dẫn đã khắc phục được một cách cơ bản các bất cập của Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003, tiếp thu các nguyên tắc quan trọng của Luật Mẫu về trọng tài của UNCITRAL, tạo ra một khuôn khổ tương đối thuận lợi cho sự phát triển của phương thức trọng tài và tương đồng với pháp luật và thực tiễn trọng tài thương mại quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Huệ báo cáo dự thảo đánh giá tác động của chính sách dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài Thương mại.
Bên cạnh nhiều ưu điểm, tiến bộ, Luật Trọng tài Thương mại và quá trình thực thi vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, bất cập do các quy định pháp luật về trọng tài còn chưa rõ ràng hoặc không phù hợp với thực tiễn, cũng như cách hiểu và áp dụng của tòa án chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và Luật Mẫu UNCITRAL.
Các bất cập này khiến tình trạng hủy và không công nhận và cho thi hành các phán quyết trọng tài diễn ra thường xuyên, gây tiêu tốn nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội, các hoạt động trọng tài chưa được thuận lợi và được sử dụng phổ biến như kỳ vọng, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng và sử dụng trọng tài làm phương thức giải quyết tranh chấp thay thế tòa án.
Việc xây dựng chính sách trong dự án Luật nhằm hướng tới các mục tiêu tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giải quyết các tranh chấp dân sự;
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó có nhiệm vụ “xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo đảm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Tạo cú hích thúc đẩy dịch vụ trọng tài phát triển tại Việt Nam thông qua việc cải cách hành lang pháp lý về trọng tài, xây dựng niềm tin cho giới doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế về biện pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và thông qua đó thúc đẩy phát triển hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư và hội nhập quốc tế.
Đưa Việt Nam tiệm cận với thế giới thông qua việc cải cách pháp luật về trọng tài thương mại và phấn đấu để Việt Nam được công nhận là một quốc gia theo Luật Mẫu UNCITRAL về trọng tài thương mại.
GS.TS Lê Hồng Hạnh – Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, thành viên Ban biên tập phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Ông Đỗ Khôi Nguyên – Trọng tài viên phát biểu tại phiên họp.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự án Luật này dự kiến xây dựng 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Hoàn thiện thể chế về trọng tài thương mại phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, Luật mẫu UNCITRAL và thông lệ quốc tế; quy định rõ và mở rộng phạm vi giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại; mở rộng thẩm quyền của hội đồng trọng tài trong các thủ tục tố tụng trọng tài; điều chỉnh quy định về phán quyết trọng tài, hủy phán quyết trọng tài, xem xét lại quyết định của Tòa án hủy phán quyết trọng tài.
Đảm bảo phù hợp thông lệ quốc tế
Bà Vũ Thị Hằng – Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), thành viên Ban biên tập cho biết, báo cáo đánh giá tác động đã chỉ ra được những chính sách lớn mà dự thảo luật muốn thay đổi.
“VIAC là tổ chức được trực tiếp thụ hưởng, điều chỉnh bởi Luật Trọng tài Thương mại 2010 do đó nhìn từ thực tế Luật đã có những giá trị rất tốt, tạo ra những nền tảng rất quan trọng. Khi tiến hành sửa đổi thì sẽ tiếp tục bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp này”, bà Hằng cho hay và cho rằng đích đến cuối cùng sửa Luật là làm sao phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV Trần Công Phàn đánh giá cao Ban biên tập.
Góp ý kiến tại phiên họp, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH khóa XV Trần Công Phàn đánh giá cao Ban biên tập đã có sự chuẩn bị tài liệu công phu, trách nhiệm.
Ông Phàn cho rằng nếu sửa đổi tốt luật này thì sẽ có tác động rất lớn đến xem xét phán quyết đối với vấn đề sẽ giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hay tòa án.
Ông Phàn cũng lưu ý khi sửa đổi Luật cần kế thừa những giá trị tốt đẹp của Luật Trọng tài Thương mại 2010, sửa luật làm sao phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền kết luận phiên họp.
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết, lâu nay các tranh chấp có yếu tố nước ngoài đều do cấp trọng tài quốc tế giải quyết.
“Chúng tôi rất mong muốn và kỳ vọng các Trung tâm trọng tài của Việt Nam bứt phá, không chỉ giải quyết tranh chấp ở Việt Nam mà còn vươn ra thế giới”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết và đồng tình với việc sửa luật làm sao phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng tình với 4 nhóm chính sách lớn khi xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Trọng tài Thương Mại, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đề nghị cần phải nghiên cứu, chỉnh sửa tiêu đề, quy định rõ hơn phạm vi, hoàn thiện thủ tục tố tụng trọng tài…
Nhấn mạnh thời gian trình các cơ quan có liên quan không còn nhiều, vì vậy Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền đề nghị các thành viên Ban biên tập khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức các phiên họp, tọa đàm lấy ý kiến Ban biên tập và chuyên gia góp ý hồ sơ đề nghị xây dựng luật.