TP.HCM là một trong ít đô thị có dòng sông (sông Sài Gòn) chảy dọc theo thành phố. Bên bờ sông này đã có nhiều điểm du lịch, văn hóa hình thành theo bề dày lịch sử. Nhưng rất tiếc, đến nay chúng ta vẫn chưa có một con đường ven sông hoàn chỉnh.
Quy hoạch đường ven sông Sài Gòn qua TP.HCM không những tạo đường giao thông thủy, bộ mà còn thúc đẩy kinh tế. Theo Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TP.HCM giai đoạn 2020-2045 do Sở Quy hoạch Kiến trúc xây dựng, tuyến đường này sẽ giúp khai thác hiệu quả 7 khu vực có tiềm năng dọc bờ sông với quy mô 2.289ha.
Vừa qua lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đã thống nhất với định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Đọc đề xuất này, người dân đã mơ về một con đường ven sông giúp "chia lửa" cho các tuyến đường hiện hữu.
Tuyến đường dọc sông Sài Gòn hiện đang được các địa phương xác định hướng tuyến cụ thể. Dự kiến, phương án tuyến có thể kéo dài từ ngã ba Mũi Đèn Đỏ, quận 7 đến Bến Củi (tỉnh Tây Ninh).
Tuyến đường ven sông này có thể không bám sát bờ sông hoàn toàn mà tùy vào địa hình để có phương án linh hoạt. Hiện trạng tuyến đường ven sông đã cơ bản hình thành nhưng chưa thông suốt.
Mời bạn đọc cùng phóng viên Tuổi Trẻ bay flycam, để nhìn rõ dáng hình con đường mong ước ôm lấy sông Sài Gòn.
7 vị trí tiềm năng dọc sông Sài Gòn trong chiến lược phát triển kinh tế dịch vụ ven sông của TP.HCM.
Từ cầu Phú Mỹ (quận 7, TP.HCM) sẽ nhìn thấy "Mũi Đèn Đỏ" tại ngã ba sông Sài Gòn và sông Nhà Bè tuyệt đẹp. Đây là nơi bắt nguồn cho câu ca dao: "Nhà Bè nước chảy chia hai / Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".
Hiện nay, một số nơi đã phát triển giao thông hoàn chỉnh, đường thảm nhựa và đưa vào khai thác ổn định. Điển hình có thể kể đến tuyến đường Tôn Đức Thắng qua quận 1, TP.HCM (dọc bến Bạch Đằng đến cầu Ba Son). Thời gian gần đây cảnh quan khu vực được chỉn chu và trở thành điểm đến thu hút người dân, du khách.
Tuy nhiên, cũng có nơi vẫn chỉ là đường đất ven bờ sông (bản chất là bờ bao) ngăn triều từ sông Sài Gòn chảy vào khu dân cư bên trong.
Nhiều đoạn đường sông vẫn chưa có sự đồng bộ. Nơi toàn cỏ dại, không có không gian để người dân vui chơi, ngắm sông. Ảnh chụp tại khu vực cầu Phú Cường nối tỉnh Bình Dương và TP.HCM. Phía Bình Dương đã cơ bản hoàn thành một đoạn đường ven sông, còn phía TP.HCM vẫn còn hoang vu.
Nhiều đoạn sông có cảnh đẹp nhưng tuyến đường ven sông lại bị chia cắt, người dân không thể đi lại thông suốt. Do đó, việc phát triển đường ven sông đồng bộ không những giúp người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại mà còn thúc đẩy kinh tế, xã hội của TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Một thời gian dài, chúng ta quay lưng vào sông, không thấy được nét đẹp của dòng sông. Những nước lân cận như Myanmar, Lào, Thái Lan… vẫn giữ được nét đẹp này khi cung điện, công trình văn hóa của họ luôn có bến sông và đường sá. Do đó tuyến đường này rất cần thiết và sẽ giúp đường sông phát triển theo.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm nhận định: "Chúng ta sẽ rà soát làm đường ven sông tổng thể từ Nhà Bè đến hết sông Sài Gòn, đặc biệt từ Mũi Đèn Đỏ đến Khánh Hội - Nhà Rồng được đánh giá là đoạn có tiềm năng rất lớn. Khi chúng ta dời cảng đi thì sẽ càng phát triển đường ven sông, cảng du lịch quốc tế, khu đô thị thương mại".
Đường ven sông Sài Gòn đi các tỉnh, nhìn góc nào cũng thấy lợi
Sông Sài Gòn là ranh giới tự nhiên kết nối giao thông thủy TP.HCM với các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ, nhưng đến nay chưa có một con đường chạy dọc bờ sông để kết nối giao thông và những điểm du lịch, văn hóa có bề dày lịch sử lâu đời.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0